Thân thế Anne_Boleyn

Tuổi trẻ

Bức tiểu họa của Anne Boleyn.

Anne Boleyn là con gái của Sir Thomas Boleyn, sau thành Bá tước xứ Wiltshire cùng Ormond. Mẹ của Anne là Lady Elizabeth Howard - con gái lớn nhất của Thomas Howard, Công tước thứ 2 xứ Norfolk. Gia tộc Boleyn có gốc vùng Norfolk, với nhiều đời có địa vị ở địa phương. Ông nội của Anne là Sir William Boleyn, từng là Thị trưởng của xứ Kent, Norfolk rồi Suffolk, sau cưới được Lady Margaret Butler - con gái của Thomas Butler, Bá tước thứ 7 xứ Ormond. Cha của Anne là Sir Thomas Boleyn, ông bắt đầu sự nghiệp như một nhà ngoại giao, do có tài giao tiếp mà ông nhanh chóng được mọi người kính trọng. Với tài năng ngoại ngữ của mình, ông trở thành cận thần của Henry VII - người đã giao cho ông rất nhiều nhiệm vụ ngoại giao ở nước ngoài, bao gồm tháp tùng Margaret Tudor đến Scotland. Đầu thời Henry VIII, ông được phong làm Hiệp sĩ nên có danh xưng "Sir" trước tên Thánh của mình.

Tổ tiên của Anne Boleyn có nhiều người làm quan chức và liên hệ quý tộc, bao gồm một Thị trưởng của London (Lord Mayor of London), một Công tước, một Bá tước, 2 nữ quý tộc và một Hiệp sĩ. Trong đó, ông cố nội của Anne là Sir Geoffrey Boleyn, đã từng là một thương nhân chuyên bán tơ lụaáo lông, trước khi trở thành Thị trưởng London[2][3]. Gia đình Boleyn vốn cư trú ở Blickling, Norfolk, cách Norwich 24 km về phía Bắc. Khi Anne Boleyn được sinh ra, gia đình Boleyn có một vị trí tương đối trong giới thượng lưu của nước Anh, dinh thự chính của họ gồm toàn Đại sảnh Blickling ở Norfolk cùng Lâu đài Hever ở Kent.

Họ ngoại của Anne là nhà Howard, một trong những gia tộc rất lớn của nước Anh được hưởng tước hiệu Công tước vùng Norfolk, trong thời kỳ rất ít ai có được địa vị Công tước thì nhà Howard trở thành một trong những đại gia tộc lớn nhất của nước Anh, cũng như rất được kính trọng bởi giới thượng lưu. Và cũng như 5 người vợ khác, thông qua họ ngoại Howard, Anne Boleyn cũng có dòng dõi Vương thất Anh khi là một hậu duệ của Edward I của Anh, do đó bà cũng có họ hàng với chính Henry VIII. Dòng họ Boleyn khi đó có rất nhiều cách đọc khác nhau, bao gồm Bullen, Boullan, và Anne khi dùng chữ ký từng một thời gian ghi là Anna de Boullan, hoặc theo kiểu Latinh hóa là Anna Bolina[4].

Mary Boleyn, chị của Anne. Bà từng là tình nhân của Francis I nước Pháp lẫn Vua Henry VIII.

Vì thiếu sót trong hồ sơ ghi chép của giáo xứ nên không thể biết rõ ngày sinh lẫn năm sinh của bà. Tài liệu đương thời rất khác nhau dẫn đến sự sai lệch ở nhiều tư liệu lịch sử. Một người Ý viết năm 1660 cho rằng Anne sinh năm 1499, trong khi đó con rể của ngài Thomas MoreWilliam Roper cho biết Anne sinh muộn hơn vào khoảng năm 1512. Chính bản thân Anne Boleyn cũng không biết chắc chắn ngày sinh anh chị của mình, nhưng rõ ràng Mary Boleyn được thừa nhận là chị gái của Anne. Những đứa con của Mary về sau tin chắc rằng mẹ mình là chị gái của Anne[5], và cháu trai Mary khẳng định ở tiêu đề Ormonde năm 1596 về cơ bản mình là cháu lớn và được Elizabeth I thừa nhận.[6][7] Một người anh em khác của Anne và Mary là George Boleyn sinh vào khoảng 1504[8][9]. Loại trừ những nghi vấn trên, năm sinh của Anne Boleyn tập trung vào hai thời gian chính mấu chốt: năm 1501 và năm 1507.

Eric Ives, một nhà sử học và là một nhà thẩm định có chuyên môn đã khẳng định nghiêng về năm 1501, trong khi học giả người Mỹ là Retha Warnicke, một người từng viết lý lịch của Anne Boleyn lại chọn năm 1507 là hợp lý hơn. Mấu chốt ở đây là bức thư mà Anne viết vào khoảng năm 1514[10], khi bà vẫn ở Mechelen, Bỉ để hoàn thiện nghiệp học của mình trong khi cha bà là Thomas vẫn còn ở Anh. Eric Ives bình luận rằng, dựa vào khả năng hoàn thiện cách viết của bức thư, người viết phải ít nhất 13 tuổi, trong khi Warnicke nhận định rằng bức thư có khá nhiều lỗi về ngữ pháp cũng như cách viết chưa hoàn bị, chứng tỏ bức thư được viết bởi một đứa bé chưa trưởng thành. Ngoài ra, Ives còn dựa vào độ tuổi tối thiểu của một Thị tùng của Margaret của Áo để khẳng định Anne Boleyn vào lúc đó phải ít nhất trên 12 tuổi, điều này được củng cố bởi một sử gia thế kỉ 16, khi nói rằng Anne Boleyn được 20 tuổi khi từ Pháp trở về[11]. Nhưng những chứng minh này của Ives vẫn gây cho Warnicke nghi vấn.

Giáo dục

Nữ Thống chế của Hà Lan, Margaret của Áo.

Ngay từ khi còn nhỏ, Anne Boleyn đã được hưởng một nền giáo dục phóng khoáng, bao gồm các môn đặc thù của tầng lớp như đọc, viết, số học, phả hệ của gia đình và ngữ pháp. Bấy giờ tại Châu Âu, Thomas Boleyn rất có uy tín trong tài ngoại giao, và một trong số những chính khách bị thu hút bởi Thomas Boleyn chính là Margaret của Áo, con gái của Maximilian I, Thánh chế La Mã hoàng đế.

Trong thời kì đó, Đại công nương Margaret cai trị Hà Lan trên danh nghĩa người cháu trai là Charles V, Thánh chế La Mã hoàng đế. Ngưỡng mộ Thomas Boleyn, Margaret đã yêu cầu Thomas đưa con gái Anne làm người tùy tùng cho bà. Thông thường, một thiếu nữ phải ít nhất 12 tuổi mới có thể tham gia đoàn Thị tùng cho một Toàn quyền như Margaret, nhưng Anne Boleyn có thể nhỏ tuổi hơn nhiều do Margaret hay gọi bà là [la petite Boulin; nghĩa là "cô con gái nhà Boulin nhỏ nhắn"][12].

Claude của Pháp, Vương hậu nước Pháp.

Tại Hà Lan, dưới sự bảo trợ của Margaret, Anne Boleyn đã thụ hưởng một nền giáo dục tiến bộ và rất được Margaret khen ngợi. Theo như những thư từ của Margaret gửi đến Thomas trong suốt quá trình này, Anne Boleyn rất giỏi trong việc đọc viết và có tinh thần hòa nhã chính chắn, điều hiếm có so với lứa tuổi các bé gái khi ấy, và bảo Thomas Boleyn rằng bà cảm thấy rất biết ơn khi Thomas có thể gửi một đứa con gái hoàn hảo như vậy đến triều đình của bà. Ngoài khả năng đọc viết ngày càng trau dồi, Anne Boleyn còn thông thạo thêm các món xã giao như khiêu vũ, săn bắn, ca hát cùng một số nữ công như may váthêu thùa[13]. Cứ như vậy, Anne Boleyn ở với Margaret từ mùa xuân năm 1513 cho đến khi Thomas Boleyn kêu Anne về để tháp tùng Mary Tudor, em gái của Vua Henry VIII của Anh, khi bà chuẩn bị kết hôn với Louis XII của Pháp vào tháng 10 năm 1514.

Tại Pháp, Anne Boleyn làm Thị tùng cho Vương hậu Mary, sau đó là cho cô con gái kế của Mary là Vương hậu Claude của Pháp, khi ấy 15 tuổi. Anne phục vụ cho Claude gần 7 năm[14][15]. Và dưới việc làm Thị tùng cho Vương hậu Claude, Anne Boleyn hoàn thiện việc học tiếng Pháp của mình, bên cạnh đó là một số thứ khá thú vị như nghệ thuật làm sách diễn họa, văn học, âm nhạc, hội họa cùng triết học tôn giáo. Ngoài ra, Anne cũng dần học được sự phóng khoáng của phụ nữ Pháp, khi hứng thú với nghệ thuật xã giao và hoàn thiện kĩ năng khiêu vũ, đọc thơ, lý luận và nghệ thuật tán tỉnh[16].

Và dù hành trạng của Anne Boleyn tại Pháp vẫn còn khá là võ đoán, Eric Ives dường như phát hiện bà có thể đã quen biết chị gái của Quốc vương Francis I của Pháp khi ấy, Quý bà Marguerite xứ Angouleme trứ danh về việc ủng hộ nhân văn học và là một biểu tượng bảo trợ nghệ thuật. Bà Marguerite với tư cách là chị gái của nhà vua, rất có ảnh hưởng với các công nương trong triều đình, điều này không phải không có khả năng rằng quan điểm và sự lỗi lạc của bà ít nhiều có tác động đến việc hình thành giáo dục cho Anne Boleyn. Eric Ives còn cho rằng Anne có tư tưởng Phúc Âm hóa, một tinh thần tôn giáo mạnh mẽ. Trải nghiệm của Anne tại Pháp khiến bà trở thành một người mộ đạo, và rất sùng bái chủ nghĩa nhân văn trong thời Phục hưng. Với một ít tiếng Latinh học được, Anne theo xu hướng lên án Giáo hoàng trong việc làm suy đồi Công giáo, và hết lòng tôn thờ Đức mẹ Mary[17]. Nghiệp học của Anne Boleyn tại Châu Âu kết thúc vào năm 1521, khi Thomas Boleyn gọi bà về Anh. Bà giong buồm rời khỏi Calais vào tháng 1 năm 1522.

Dung mạo

Phác thảo chân dung Anne Boleyn, vẽ bởi Hans Holbein der Jüngere.

Theo mô tả đương thời, Anne Boleyn là người có mái tóc màu đen, hoặc nâu đậm, đôi mắt màu hạt dẻ cùng thân hình cân đối hài hòa. Bà có cái mũi thẳng, khuôn miệng tương đối rộng và bờ môi mỏng với nước da màu ôliu. Đánh giá chung cho thấy Anne có tính thông minh, quyến rũ, tao nhã, ngay thẳng cùng với một bộ óc thông minh nhưng không kém phần khôi hài. Thời còn là thiếu nữ, Anne được nhận xét là cởi mở, thích chơi bài cùng một số trò chơi nhỏ như xí ngầu, nghe kể chuyện và bàn tán chuyện đàn ông[18].

Theo mô tả của người đương thời, Anne để lại ấn tượng khá sâu sắc đối với những ai mà bà từng giao tiếp. Người ghi nhật ký Marino Sanuto ghi lại cuộc viếng thăm của Vua Henry VIII đến Calais vào tháng 10 năm 1532, đã nhìn thấy Anne và mô tả lại bà rằng: "Một người phụ nữ không phải quá xinh đẹp, vóc dáng trung bình, nước da hơi ngăm, cổ dài, miệng rộng, ngực không đẩy đà lắm. Đôi mắt đen và đẹp"[19]. Simon Grynée viết thư gửi cho Martin Bucer vào tháng 9 năm 1531, mô tả Anne rằng "Trẻ trung, ưa nhìn và có làn da hơi đen đúa". Trong khi đó, Lancelot de Carle mô tả Anne rất xinh đẹp, và một lữ khách người Venice có mặt tại Paris năm 1528 cũng nhận định Anne là một người phụ nữ có ngoại hình xinh đẹp[20].

Một tài liệu dù độ đáng tin cậy khá thấp do được viết qua rất nhiều năm sau khi Anne Boleyn qua đời, nhưng lại là nguồn ảnh hưởng chủ chốt nhất trong việc định hình dáng vẻ của bà trong mắt người đời, xuất phát từ ghi chép của nhà truyền giáo Nicholas Sanders, ghi nhận:"Anne Boleyn là một người cao ráo, mái tóc đen óng, khuôn mặt trái xoan cùng nước da hơi vàng như thể mắc bệnh vàng da. Người ta nói rằng bà ta có một chiếc răng mộc nhô ra dưới làn môi trên, và bàn tay phải có tới 6 ngón. Dưới cằm của bà có một cục bứou lớn, và để che đi khuyết điểm thì bà ta thường mặc những trang phục to để có thể che cằm của mình. Nhìn chung, bà ta trông khá xinh đẹp với một khuôn miệng hoàn mỹ"[21]. Sanders vốn ác cảm khi vì Anne mà Henry VIII ly khai La Mã, vì vậy ghi chép này của ông rất có khả năng là xấu xí hóa bà.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Anne_Boleyn http://www.anne-boleyn.com/ http://www.elfinspell.com/Boleynstyle.html http://www.historyofroyalwomen.com/anne-boleyn/ann... http://www.historytoday.com/susan-walters-schmid/h... http://bobmeades.pages.qpg.com/id29.html http://www.theanneboleynfiles.com/ http://misadventuresofmoppet.wordpress.com/2009/11... http://www.nellgavin.net/boleyn_links/boleynhandwr... http://www.poetry-online.org/boleyn_anne_o_death_r... http://www.worldcat.org/oclc/71370718&referer=brie...